Cách chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư
Quá trình điều trị ung thư có thể gây ra những biến chứng liên quan tới răng miệng. Vì thế, việc chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư cần được chú trọng để giảm các nguy cơ tiềm tàng và các biến chứng nguy hiểm khác như nhiễm trùng chân răng, loét miệng,… Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Xem nhanh
1. Điều trị ung thư ảnh hưởng như thế nào tới răng miệng?
Bệnh nhân ung thư phải trải qua quá trình điều trị lâu dài, các loại tia xạ cùng nhiều loại thuốc khác nhau được đưa vào cơ thể. Chúng gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau, trong đó có tác dụng không mong muốn trên răng miệng
Nếu không chăm sóc răng miệng trước, trong và sau điều trị, có thể dẫn tới một số vấn đề như:
- Khô miệng
- Thay đổi khẩu vị
- Sâu răng
- Nước bọt đặc quánh
- Loét niêm mạc miệng, đau miệng
- Khó mở miệng, khó nhai và khó nuốt
- Nhiễm trùng
- Bệnh lý liên quan xương khớp
- Viêm hoặc đau ở lưỡi và niêm mạc miệng
Có những tác dụng sẽ biến mất sau một thời gian ngắn khi điều trị kết thúc, cũng có những tác dụng phụ kéo dài, thậm chí là vĩnh viễn nếu không được chăm sóc đúng cách.
2. Nguyên nhân của các tác dụng phụ trên răng miệng
Không phải tất cả các phương pháp điều trị ung thư đều gây ảnh hưởng tới răng miệng. Các phương pháp sau đây gây ra nhiều tác dụng phụ, tác động tới tình trạng răng miệng của người bệnh:
Hóa trị
Một số thuốc hóa trị liệu tạm thời làm giảm khả năng sản xuất các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng của cơ thể. Vì thế các biện pháp chống nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là nhiễm trùng răng miệng cần được thực hiện trước khi điều trị.
Các vấn đề răng miệng do hóa trị như đau miệng, lợi, bong tróc, bỏng rát lưỡi, thay đổi vị giác, nhiễm trùng thường hết sau khi kết thúc điều trị.
Xạ trị vùng đầu, cổ
Xạ trị làm thay đổi số lượng và tính chất của nước bọt, do đó làm tăng nguy cơ sâu răng. Các bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt trước khi xạ trị sẽ ít gặp các tác dụng phụ hơn.
Ghép tế bào gốc
Trước khi thực hiện thủ thuật cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương, người bệnh cần được tiến hành hóa trị liều cao, việc này gây ra các tác dụng phụ trên răng miệng. Đau miệng là tác dụng không mong muốn phổ biến khi dùng hóa trị liều cao điều trị các bệnh u lympho (lymphoma), đa u tủy (multiple myeloma) hoặc ung thư máu (leukemia).
Ngoài ra, khi cấy ghép tế bào gốc có thể xuất hiện hiện tượng mô ghép chống vật chủ. Tức là mảnh ghép từ người hiến tặng cho rằng các tế bào, mô bình thường (vật chủ) là ngoại lai và tấn công chúng. Do đó gây ra các tác dụng phụ, trong đó có liên quan tới răng miệng như khô miệng, đau miệng, giảm nước bọt,…
Các loại thuốc sử dụng
Các loại thuốc dùng trong điều trị ung thư có thể gây ra những tác động tới răng miệng:
- Thuốc biến đổi xương: Bisphosphonate và một số thuốc khác đôi khi đụng dùng để ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư tới xương. Chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng là hoại tử xương hàm, làm cho xương hàm bị đau, sưng và nhiễm trùng, lung lay răng và làm lộ xương
- Thuốc điều trị nhắm trúng đích: Thuốc sử dụng trong liệu pháp nhắm trúng đích có một số tác dụng phụ trên miệng. Ví dụ như thuốc ức chế mTOR có thể gây loét miệng,…
- Các loại thuốc khác: Một số thuốc sử dụng để kiểm soát triệu chứng ung thư có thể ảnh hưởng đến răng miệng như thuốc giảm đau gây khô miệng, một vài loại nước súc miệng điều trị nhiễm trùng làm biến đổi màu răng,…
3. Phòng ngừa tác dụng phụ ở răng miệng trước điều trị ung thư
Bệnh nhân có sức khỏe răng miệng trước điều trị ung thư tốt sẽ có ít nguy cơ gặp các vấn đề thấp hơn. Do đó, trước khi điều trị ung thư bạn cần tới gặp nha sĩ để được kiểm tra và chăm sóc nếu cần. Bạn cần thông báo chi tiết về tình trạng răng miệng của mình cho bác sĩ điều trị ung thư.
Lưu ý một số vấn đề sau:
- Loại bỏ những răng bị nhiễm trùng nặng hoặc có thể gây ra các vấn đề trong hoặc sau điều trị
- Thực hiện nhổ răng trước ít nhất là 1 tuần trước xạ trị hoặc hóa trị để có thời gian cho vết thương lành.
- Các răng sâu điều trị bằng hàn răng, làm sạch và loại bỏ cao răng
- Tháo móc cài răng để chúng không gây kích ứng ở má và lưỡi
Ngoài ra, bạn nên thực hiện những lời khuyên sau đây để cải thiện sức khỏe răng miệng:
- Đánh răng nhẹ nhàng 2 lần/ngày kết hợp với dùng chỉ nha khoa: Sử dụng bàn chải có kích thước vừa với miệng, mềm, hạn chế những bàn chải quá cồng kềnh hoặc gây khó chịu. Bạn có thể ngâm bàn chải vào nước ấm để làm mềm lông trước.
- Không uống rượu bia, chất kích thích và ăn đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị: Những thực phẩm này có thể gây khó chịu cho miệng vì thế cần hạn chế. Lưu ý cần kiểm soát các thực phẩm chứa lượng đường cao, do đường là nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn trong miệng phát triển, gây sâu răng
- Bổ sung vitamin D và calci để tăng cường sức khỏe xương: Việc bổ sung đủ lượng vitamin D và calci mỗi ngày sẽ giúp xương hàm và răng khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung bằng các loại nước ép trái cây, ngũ cốc ăn sáng hoặc các loại sữa,…
4. Chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư
Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng liên quan tới răng miệng. Để hạn chế những tác dụng phụ này, người bệnh có thể thực hiện một số việc sau đây:
4.1. Kiểm tra khoang miệng hàng ngày
Người bệnh cần khám khoang miệng hàng ngày, tối thiểu là 1 lần và theo dõi những dấu hiệu bất thường. Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong khoang miệng cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Để kiểm tra khoang miệng, bạn cần dùng một chiếc gương và đèn chiếu. Bạn đứng trước gương và dùng đèn chiếu vào khoang miệng, sau đó quan sát khoang miệng trong gương. Các dấu hiệu bất thường có thể là các điểm loét, điểm đau, vết loét có mủ hoặc vùng xung huyết đỏ,…
4.2. Giữ răng miệng sạch và ẩm, súc miệng bằng baking soda
Ngay cả khi bạn cảm thấy miệng bị đau thì vẫn phải làm sạch miệng bằng nước muối loãng hoặc baking soda. Việc này sẽ răng miệng luôn sạch sẽ và giữ ẩm cho chúng. Số lần súc miệng sẽ phụ thuộc vào những tổn thương ở răng miệng, thông thường là 2 giờ/ lần trong 1 – 2 phút. Nếu đau rát thì 1 giờ súc miệng 1 lần, sau đó súc miệng lại bằng nước sạch.
Trường hợp quá đau, người bệnh có thể sử dụng bàn chải mềm hoặc miếng gạc mềm để làm sạch răng. Uống nước thường xuyên trong ngày để giữ ẩm miệng, bôi son dưỡng ẩm để môi không bị khô.
4.3. Tránh các thực phẩm, nước uống kích ứng niêm mạc
Để chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư, người bệnh cần tránh xa các thực phẩm, đồ uống cay, nóng, cứng, chua và chứa nhiều acid. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, chất kích thích như thuốc lá,…
Khi bị nôn, bạn cần súc miệng ngay với một cốc nước ấm hoặc với nước muối.
4.4. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước lọc hoặc các thức uống không đường có tác dụng rất lớn trong kiểm soát khô miệng. Khoang miệng được giữ ẩm sẽ ngăn cản các vi khuẩn gây bệnh cũng như các tác dụng phụ trên răng miệng trong điều trị ung thư.
4.5. Sử dụng các thuốc phù hợp
Nếu cần thiết, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau: Thuốc uống , đặt trực tiếp lên chỗ đau hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị đau miệng
- Thuốc điều trị nhiễm trùng: Trong trường hợp có nhiễm trùng, một số thuốc được sử dụng như kháng sinh, thuốc kháng virus, kháng nấm,…
- Thuốc kích thích tạo nước bọt: Những thuốc này có khả năng ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng khô miệng. Ngoài ra, để giảm khô miệng, bạn có thể sử dụng các loại gel bôi bề mặt niêm mạc miệng,…
5. Chăm sóc răng miệng sau điều trị ung thư
Sau quá trình điều trị, người bệnh ung thư cần tiếp tục chăm sóc răng miệng tốt để chúng luôn được khỏe mạnh. Một số vấn đề bệnh nhân gặp phải và cách khắc phục:
- Tuyến nước bọt tiết ra ít hơn, người bệnh có nguy cơ bị sâu răng và bệnh về nướu. Lúc này bạn cần tới các cơ sở nha khoa để lấy cao răng và làm sạch răng. Điều trị bằng phương pháp fluor kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng, ít đường, nhổ răng nếu cần thiết.
- Khô miệng: Người bệnh nên mang theo chai nước để làm ướt miệng khi cần thiết, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích,. Nếu cần thiết có thể ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường
- Thay đổi vị giác: Tình trạng thường gặp ở bệnh nhân ung thư sau xạ trị trong 6 tháng đầu tiên. Người bệnh thường cảm thấy chán ăn, vì thế nên thay đổi nhiều thức ăn khác nhau, thêm các loại thảo mộc, gia vị nhẹ. Ăn các thực phẩm dạng lỏng để tăng calo cho tới khi cảm giác thèm ăn quay lại và theo dõi cân nặng thường xuyên đến khi cân nặng ổn định.
Thực tế, các phương pháp điều trị ung thư gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của người bệnh, gây khó khăn trong ăn uống, nói chuyện. Lúc này, việc chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư là rất cần thiết. Hy vọng bài viết trên đang chia sẻ cho bạn những thông tin hữu ích về cách chăm sóc răng miệng cả trước, trong và sau điều trị.
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn