Vai trò và cơ chế của liệu pháp quang động trong điều trị ung thư
Hiện nay, các liệu pháp mới được ứng dụng để điều trị ung thư, trong đó phải kể đến liệu pháp quang động. Bạn đã biết tới liệu pháp này chưa? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu thông tin về nó nhé!
Xem nhanh
1. Liệu pháp quang động là gì?
Liệu pháp quang động hay còn gọi là quang động liệu pháp, có tên tiếng anh là photodynamic therapy (PDT). Đây là phương pháp sử dụng chất gây cảm quang (photosensitizer) để điều trị và làm thuyên giảm triệu chứng của ung thư.
Các nghiên cứu đã chứng minh việc kết hợp liệu pháp quang động với liệu pháp miễn dịch mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư. Nó có thể được áp dụng đồng thời với liệu pháp truyền thống hoặc được xem như phương pháp điều trị thay thế.
2. Cơ chế của liệu pháp trong điều trị ung thư
Chất cảm quang được đưa vào máu của người bệnh bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khối u. Sau đó, chúng sẽ liên kết với bất kỳ loại tế bào ung thư nào trong cơ thể với độ đặc hiệu rất cao. Một điều đặc biệt là tác nhân này sẽ được các tế bào khắp cơ thể hấp thu, nhưng tồn tại trong tế bào ung thư lâu hơn tế bào bình thường.
Sau khi sử dụng ánh sáng để kích thích, chất cảm quang trong khối u sẽ hấp thu ánh sáng chiếu xạ, từ đó sinh ra oxy hoạt lực có khả năng giết chết tế bào ung thư.
Ngoài ra liệu pháp quang động còn thu nhỏ hoặc tiêu diệt khối u gián tiếp bằng 2 cách. Cách thứ nhất là phá hủy các mạch máu trong khối u, làm cho khối u không nhận được máu để tiếp tục phát triển. Cách thứ hai là kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, tấn công tế bào ung thư.
Chất cảm quang thường được sử dụng trong PDT hiện nay là Chlorin E6 và Liposomal ICG. Ánh sáng có thể dùng tia laser hay những nguồn ánh sáng khác. Laser có thể chiếu xạ những vùng sâu bên trong cơ thể để điều trị ung thư phổi, họng. Một nguồn sáng khác là đen lưỡng cực phát sáng (LED) lại được dùng điều trị khối u bề mặt như ung thư da.
3. Chỉ định
Liệu pháp quang động đã được FDA phê duyệt để điều trị:
- Dày sừng quang hóa (Actinic keratosis)
- Ung thư da tế bào vảy (giai đoạn 0) hoặc tế bào đáy
- U lympho tế bào T ở da
- Ung thư thực quản
- Barrett thực quản
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ
Ngoài ra, liệu pháp này còn được dùng để giảm các triệu chứng một số bệnh ung thư khác như khó thở trong ung thư thực quản hoặc ung thư phổi,…
4. Quy trình thực hiện
Quy trình của liệu pháp quang động điều trị ung thư gồm hai bước. Bước đầu tiên, đưa chất cảm quang vào cơ thể bằng đường uống, bôi da hoặc tiêm tĩnh mạch, tùy vị trí khối u. Sau 24 – 72 giờ, phần lớn thuốc rời khỏi tế bào bình thường nhưng vẫn tồn tại trong tế bào ung thư.
Bước tiếp theo, khối u được tiếp xúc với nguồn sáng. Dựa vào vị trí khối u sẽ có các cách áp dụng ánh sáng khác nhau. Với các khối u trên da, chiếu trực tiếp ánh sáng vào khối u.
Với khối u ở cổ họng, đường thở và phổi, một ống nội soi được đưa xuống cổ họng của người bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ luồn sợi cáp quang truyền ánh sáng qua nó để tới khu vực có tế bào ung thư.
Quang dẫn ngoại bào (ECP) là một liệu pháp quang động được dùng điều trị các tế bào bạch cầu bất thường gây ra triệu chứng trên da ở người mắc ung thư hạch tế bào T ở da. Trong ECP, sử dụng máy thu thập tế bào máu người bệnh, xử lý chúng bằng chất cảm quang. Sau đó dùng ánh sáng chiếu vào chúng và đưa trở lại cơ thể bằng kim tiêm tĩnh mạch.
Liệu pháp có thể được tiến hành đơn độc hoặc cùng các phương pháp điều trị ung thư khác như hóa trị, xạ trị,…
5. Ưu điểm và hạn chế
Một số ưu điểm có thể kể tới của liệu pháp quang động điều trị ung thư như:
- Ít gây xâm lấn hơn phương pháp phẫu thuật
- Cần ít thời gian và có thể điều trị ngoại trú
- Nhắm mục tiêu chính xác, có thể lặp lại nhiều lần tại cùng một vị trí nếu cần
- Ít để lại sẹo sau khi vết thương lành
- So với các phương pháp điều trị khác thì có chi phí thấp hơn
Bên cạnh ưu điểm, liệu pháp cũng có nhiều hạn chế mà các nhà khoa học đang cố gắng khắc phục, cụ thể:
- Đôi khi có thể gây hại tới các tế bào bình thường trong vùng điều trị và gây ra các tác dụng không mong muốn
- Chỉ có tác dụng ở những vùng ánh sáng có thể chiếu tới. Tức là nó chủ yếu áp dụng điều trị ung thư ở trên hoặc ngay dưới da hoặc trên niêm mạc các cơ quan nguồn sáng chiếu tới được.
Ánh sáng không thể đi xuyên qua da, vì thế PDT không thể sử dụng điều trị ung thư lớn hoặc đã phát triển sâu vào da hoặc các cơ quan khác
- Một khi ung thư đã di căn tới nhiều nơi thì không thể áp dụng liệu pháp quang động
- Các loại thuốc được dùng rất nhạy cảm với ánh sáng trong một thời gian, vì thế, sau khi đưa thuốc vào cơ thể cần có biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
- Không thể sử dụng cho người mắc các bệnh lý về máu
6. Tác dụng phụ của liệu pháp quang động
Ảnh hưởng của liệu pháp tới các tế bào bình thường không nhiều nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ. Chúng xảy ra tùy thuộc vào khu vực điều trị. Tác dụng không mong muốn được ghi nhận:
- Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng
Tác dụng phụ phổ biến của PDT, nguyên nhân là do việc sử dụng các chất cảm quang có tính nhạy cảm với ánh sáng. Phản ứng có thể xuất hiện ở vùng da bôi thuốc với các triệu chứng mẩn đỏ, cảm giác ngứa hoặc nóng ran. Trong khoảng 6 tuần, bạn không nên để vùng điều trị trên mặt và da tiếp xúc với ánh sáng.
- Vấn đề về da
Tùy vào loại và vị trí điều trị, khu vực da đang được điều trị có thể chuyển sang màu đỏ. Kèm với đó là sưng lên trong một khoảng thời gian. Trong một số trường hợp có thể xuất hiện mụn nước hoặc cảm giác bỏng rát, thay đổi màu sắc. Thông thường chúng kéo dài vài giờ đến vài ngày sau khi điều trị
- Sưng và đau
Tình trạng sưng đau ở khu vực điều trị dẫn tới đau và các vấn đề khác với mô và các cơ quan khác.
- Hệ thống miễn dịch thay đổi
Đôi khi liệu pháp quang động có thể làm thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch, thường là kích thích nó tăng cường hoạt động. Đôi khi cũng có thể làm suy giảm miễn dịch trong một khoảng thời gian. Một số trường hợp hiếm người bệnh bị ung thư da tại nơi điều trị, nguyên nhân được cho là do hệ miễn dịch bị suy yếu bởi PDT
Ngoài ra, có các tác dụng phụ hiếm gặp hơn như:
- Ho, ho ra máu
- Khó nuốt
- Khó thở, đau khi thở
- Đau bụng
- …
7. Lưu ý sau điều trị ung thư bằng quang động
Vùng da điều trị được băng lại và giữ nguyên trong khoảng 1 ngày. Bác sĩ sẽ cho bạn biết thời gian chính xác là bao lâu. Bạn nên cố gắng tránh trầy xước hoặc va đập khu vực này, giữ nó càng khô càng tốt
Sau khi tháo băng, bạn có thể tắm rửa như bình thường, lưu ý nên nhẹ nhàng lau khô vị trí điều trị. Để đánh giá hiệu quả, bác sĩ sẽ gặp bạn thời gian tái khám, từ đó quyết định có điều trị lại hay không. Thường khoảng 2 – 6 tuần, vết thương của bạn sẽ lành hoàn toàn tùy thuộc vị trí điều trị và diện tích về thương.
Một số lưu ý giúp bạn hạn chế tác dụng phụ phản ứng nhạy cảm ánh sáng:
- Tránh ánh sáng mạnh, trực tiếp
- Tốt nhất nên ở trong nhà
- Khi ra ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ, đội mũ rộng vành tránh ánh nắng
- Tránh các bề mặt có thể phản chiếu ánh sáng, bãi biển, bê tông sáng màu,…
- Kem chống nắng không có tác dụng bảo vệ da khỏi phản ứng nhạy cảm với ánh sáng
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn