Ung thư âm hộ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Ung thư âm hộ là bệnh lý u ác tính xảy ra ở phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Bệnh thường diễn biến âm thầm, các triệu chứng không điển hình nên dễ nhầm lẫn sang các bệnh phụ khoa khác. Hãy đọc bài viết dưới đây để có thêm thông tin nhé
Xem nhanh
1. Ung thư âm hộ là gì?
Âm hộ (hay cửa mình), là bộ phận sinh dục nữ nằm ở phía ngoài, bao gồm xương mu, môi lớn, môi bé, phần ngoài âm vật, màng trinh, lỗ niệu đạo.
Ung thư âm hộ là các tổn thương được hình thành do sự tăng sinh bất thường của các tế bào âm hộ và có thể lan tới các cơ quan khác.
Dựa vào loại tế bào biểu mô ung thư mà ung thư âm hộ được chia thành 7 loại:
- Ung thư tế bào biểu mô vảy: chiếm 85-90% các trường hợp ung thư âm hộ. Khối u thường nằm ở môi lớn và môi bé, số ít nằm ở âm vật hay tầng sinh môn.
- Ung thư hắc tố: chiếm tỉ lệ 5%, đứng thứ 2 trong các loại ung thư âm hộ. Hay gặp ở môi nhỏ và âm vật và hay lan rộng trên bề mặt hướng vào âm đạo và niệu đạo. Đặc điểm tổn thương là các u hắc tố đen, đặc biệt giống như nốt ruồi dính nhau. Bệnh thường có xu hướng di căn sớm ngay từ giai đoạn đầu theo hệ thống hạch.
- Ung thư tuyến Bartholin: chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư âm hộ. Đặc trưng của ung thư tuyến Bartholin là nằm sâu ở dưới 2 môi lớn nên thường có xu hướng lan rộng vào trực tràng và hố chậu gây ra hậu quả là di căn trực tiếp vào hệ thống hạch bạch chậu cũng như hạch ở bẹn.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: chỉ chiếm khoảng 1-2%. Đặc điểm nhận biết của loại ung thư này là các ổ loét ở giữa và cuộn bờ vào trong, đôi khi dưới dạng u sắc tố, u nốt ruồi hay đơn giản chỉ là vùng tấy đỏ do ngứa mà gãi. Ung thư biểu mô tế bào đáy thường phát triển chậm, gây thâm nhiễm nhiều chỗ và không bao giờ di căn hạch.
- Bệnh Paget: chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ dưới 1%. Các tế bào ung thư tuyến xuất hiện trong các lớp trên cùng của da âm hộ. Tổn thương loài này có dạng chàm và vảy đỏ, nổi lên những mảng trắng nhỏ, ngứa tập trung ở 1 bên môi hay lan rộng ra cả vùng âm hộ
- Adenocarcinoma dạng mụn cơm: có dạng sùi như súp lơ hoặc có nhú giống sùi mào gà. Loại tổn thương này thường khu trú tại chỗ, hiếm khi di căn hạch.
- Sarcoma (ung thư tổ chức liên kết) âm hộ: chỉ chiếm 1-2% các trường hợp ung thư âm hộ. Các tổn thương là các u hạch dưới da hoặc có thể là các u dày, chắc
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên ung thư âm hộ nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh, bao gồm:
- Virus: thống kê cho thấy có khoảng 3-5/10 trường hợp ung thư âm hộ có nguyên nhân là do virus HPV (type 16, 18, 6) và virus Herpes typ 2. Bình thường các loại virus này không gây hại và có thể tự khỏi, nhưng nếu tình trạng nhiễm kéo dài virus có thể gây biến đổi các tế bào.
- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô và ung thư âm hộ
- Những khối u biểu mô: các khối u này ban đầu có thể chưa phải là ung thư nhưng nó có thể tiến triển thành ung thư. Vùng bị khối u biểu mô có thể sưng lên khiến vùng da dày và đỏ, xuất hiện những vết đốm có màu trắng nhợt hoặc sẫm hơn
- Người bị suy giảm miễn dịch: những bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như người bị HIV/AIDS, người ghép tạng thì đều có nguy cơ cao mắc ung thư âm hộ
- Tuổi tác: nguy cơ ung thư âm hộ tăng theo độ tuổi, thường gặp ở độ tuổi trên 50
- Đã từng mắc bệnh ung thư trước đó: bệnh nhân có tiền sử bị viêm lộ tuyến nội mạc âm hộ rất có thể sẽ bị ung thư âm hộ sau này
- Một số bệnh da liễu có nguy cơ phát triển thành ung thư như bệnh xơ hóa cứng da có những mảng tổn thương cứng tròn, bệnh Lichen hoặc bệnh xơ hóa xương mãn tính tuổi già
3. Triệu chứng của ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ thường diễn biến chậm, âm thầm trong nhiều năm. Giai đoạn sớm, bệnh không có dấu hiệu đặc trưng nên thường hay bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khác. Các triệu chứng thường gặp:
- Ngứa âm hộ kéo dài không khỏi
- Xuất huyết âm đạo bất thường không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt
- Các dấu hiệu xuất hiện trên vùng da âm hộ: xuất hiện mụn cóc, khối u cục hay các vết loét không lành, màu sắc da âm hộ thay đổi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư âm hộ
- Tiểu nhiều, đau rát khi đi tiểu
- Đau vùng chậu hay vùng bụng dưới rốn kéo dài
- Dịch âm đạo có mùi khó chịu, có thể kèm vết máu.
4. Chẩn đoán
Các phương pháp chẩn đoán ung thư âm hộ gồm: chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán xác định mức độ di căn của bệnh (hay xác định các giai đoạn tiến triển của bệnh)
4.1. Chẩn đoán phát hiện bệnh
Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện sinh thiết tế bào để chẩn đoán xác định ung thư âm hộ
- Khám lâm sàng: Tất cả các triệu chứng của bệnh đều là cơ sở để bác sĩ xác định. Các bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi để khai thác các dấu hiệu của bệnh. Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: ngứa, tiểu rát, dịch âm đạo mùi hôi,… Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành khám trực tiếp để phát hiện các bất thường trên âm hộ
- Sinh thiết: là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán xác định bệnh và để phân biệt với các bệnh lý khác ở âm hộ. Các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê và lấy mẫu bệnh phẩm trên vùng da nghi ngờ ung thư trên âm hộ mang đi phân tích. Bệnh phẩm sinh thiết cần lấy đủ sâu (đến lớp hạ bì) để đánh giá độ sâu của sự xâm lấn mô đệm. Với tổn thương dưới 1cm nên cắt bỏ u để làm chẩn đoán mô bệnh học
4.2. Xác định giai đoạn ung thư âm hộ
Khi đã xác định được bệnh nhân bị ung thư âm hộ thì cần phải thực hiện thêm 1 số xét nghiệm khác như soi bàng quang, trực tràng, hệ tiết niệu, chụp X quang phổi, siêu âm ổ bụng để xác định kích thước khối u và mức độ di căn của bệnh làm cơ sở cho việc phân loại các giai đoạn của bệnh.
Dự trên hệ thống AJCC của Ủy ban về Ung thư Mỹ, ung thư âm hộ được chia thành các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 0: là khối u biểu mô nông tại chỗ, khối u biểu mô trong biểu mô
- Giai đoạn I: Khối u có kích thước <2cm, giới hạn ở âm hộ hay tầng sinh môn. Giai đoạn này chưa có di căn hạch
- Giai đoạn IA: Khối u có kích thước <2cm, giới hạn ở âm hộ hay tầng sinh môn, độ sâu xâm lấn<1mm. Không có di căn hạch
- Giai đoạn IB: Khối u có kích thước <2cm, giới hạn ở âm hộ hay tầng sinh môn, độ sâu xâm lấn>1mm. Không có di căn hạch
- Giai đoạn II: Khối u khu trú ở âm hộ và/hoặc tầng sinh môn, có kích thước lớn nhất trên 2cm, chưa có di căn hạch
- Giai đoạn III: Khối u kích thước bất kỳ xuất hiện ở âm hộ và/hoặc tầng sinh môn và đã lan vào các bộ phân lân cận như đoạn dưới niệu đạo và/hoặc âm đạo hoặc hậu môn, và/hoặc di căn hạch vùng 1 bên
- Giai đoạn IV:
- Giai đoạn IVA: Khối u xâm lấn vào bất kỳ bộ phận nào trong số dưới đây: ddoannj trên niệu đạo, niêm mạc bàng quang, niêm mạc trực tràng, xương chậu và/hoặc di căn hạch vùng 2 bên
- Giai đoạn IVB: di căn xa bất kỳ bao gồm cả vào hạch vùng chậu
6. Phương pháp điều trị
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư âm hộ phụ thuộc vào các yếu tố:
- Kích thước khối u và loại ung thư âm hộ
- Các giai đoạn của bệnh (mức độ di căn)
- Tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh.
Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư âm hộ gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị
6.1. Phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật là nhằm loại bỏ các tế bào ung thư.
- Giai đoạn 0: các khối u nhỏ, khu trú tại 1 vị trí trên biểu mô có thể sử dụng tia laser để loại bỏ các tế bào ung thư.
- Giai đoạn I-II: Trước khi quyết định phẫu thuật cần tiến hành khám tổng thể đường sinh dục để phát hiện các bệnh lý khác nhằm hạn chế tai biến có thể xảy ra.
- Khối u xâm lấn chỉ tại bề mặt thường không di căn hạch có thể điều trị bằng cắt bỏ tại chỗ rộng rãi nhưng phải đảm bảo diện cắt an toàn cách bờ tổn thương 1 cm.
- Đối với các khối u có đường kính dưới 2 cm và chiều sâu xâm lấn dưới 5 mm có thể cắt rộng u với diện cắt an toàn cách bờ tổn thương ít nhất 1 cm.
- Giai đoạn III-IV: Bác sĩ sẽ căn cứ vào yếu tố tuổi tác, các bệnh lý kèm theo có thể ảnh hưởng tới khả năng phẫu thuật để chia làm 2 nhóm: nhóm mổ được và nhóm không mổ được. Nếu khả năng cắt bỏ khối u nguyên phát với diện cắt không còn tế bào ung thư và không tổn hại tới các cơ thắt ảnh hưởng tới đại tiểu tiện thì bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật.
- Trường hợp khối u nguyên phát nhỏ: tiến hành phẫu thuật cắt rộng khối u kết hợp nạo vét hạch bẹn-đùi
- Trường hợp khối u lớn cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ âm hộ triệt căn kết hợp nạo vét hạch bẹn- đùi.
- Trường hợp khối u nằm trên đường giữa (tổn thương cả 2 bên) thì cần tiến hành nạo vét hạch bẹn-đùi hai bên
6.2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp loại bỏ các tế bào ung thư bằng các tia năng lượng cao như tia X
Xạ trị thường áp dụng trong các trường hợp:
- Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật
- Thu nhỏ kích thước khối u để dễ dàng loại bỏ bằng phẫu thuật
- Bệnh nhân không đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật
Các tác dụng phụ hay gặp nhất của xạ trị là: mệt mỏi, nôn, buồn nôn, những thay đổi ngoài da tại vùng xạ trị. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi kết thúc điều trị
6.3. Hoá trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách truyền hóa chất qua đường tĩnh mạch
Hóa trị thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Phối hợp với xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật
- Khối u đã di căn tới các cơ quan khác mà không thể tiến hành phẫu thuật được Hoá trị được sử dụng theo chu kỳ. Giữa mỗi chu kỳ điều trị có một khoảng thời gian nghỉ. Thông thường, người bệnh được truyền 2 hay nhiều loại hoá chất. Phương pháp điều trị này thường kéo dài nhiều tháng.
Hoá trị có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, và rụng tóc. Tuy nhiên những tác dụng phụ này thường hết sau khi kết thúc điều trị.
7. Chăm sóc và phòng tái phát
Việc chăm sóc, phòng ngừa bệnh tái phát chủ yếu tập trung vào các hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh và thăm khám định kỳ.
- Khám định kỳ: ung thư âm hộ có thể tái phát ngay cả khi đã điều trị thành công, đặc biệt là các trường hợp ung thư âm hộ có liên quan tới virus HPV có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy, bệnh nhân cần định kỳ theo dõi để phòng ngừa bệnh tái phát. Lịch trình tái khám thường mỗi 3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu và mỗi 6 tháng trong 3 năm tiếp theo
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ: cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm dẫn tới nguy cơ bệnh tái phát. Vì vậy giữ vệ sinh cơ quan sinh dục là điều quan trọng mà chị em phụ nữ cần lưu ý.
- Quan hệ tình dục an toàn không chỉ hạn chế được nguy cơ ung thư âm hộ tái phát mà còn phòng tránh được nhiều loại bệnh lây qua đường tình dục.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tái phát
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn