Ung thư dạ dày sống được bao lâu? Cách kéo dài thời gian sống
Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Chính vì vây, “ung thư dạ dày sống được bao lâu và làm cách nào để hạn chế sự tiến triển của bệnh” là vấn đề nhận được sự quan tâm của tất cả bệnh nhân. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé
Xem nhanh
1. Các yếu tố ảnh hưởng tới thời gian sống của bệnh nhân ung thư dạ dày
Thời gian sống của mỗi bệnh nhân ung thư dạ dày là không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh, bệnh lý nền kèm theo,…
1.1. Giai đoạn phát hiện bệnh
Ung thư dạ dày được chia thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn thể hiện mức độ nghiêm trọng khác nhau. Do đó, bệnh nhân ung thư dạ dày sống được bao lâu phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh.
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm khi kích thước khối u còn nhỏ và chưa có dấu hiệu di căn thì tiên lượng sống của bệnh nhân rất cao.
Ngược lại, việc chẩn đoán bệnh trễ làm giảm tỷ lệ chữa khỏi bệnh và do đó tỷ lệ sống của bệnh nhân cũng không cao.
1.2. Khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị
Khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với các phương pháp điều trị là một trong những yếu tố quan trọng quyết định bệnh nhân ung thư dạ dày sống được bao lâu. Nếu trong quá trình điều trị, bệnh nhân ít gặp phải các tác dụng không mong muốn thì khả năng phục hồi sẽ cao hơn và tỷ lệ sống của người bệnh cũng tốt hơn
1.3. Thể trạng của bệnh nhân
Thể trạng của bệnh nhân là một trong những căn cứ giúp bác sĩ xây dựng kế hoạch điều trị cụ thể
Nếu tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân tốt thì sẽ ít gặp phải các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh hơn và do đó tiên lượng sống của người bệnh cũng cao hơn.
1.4. Tuổi tác của người bệnh
Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày trẻ tuổi thường có thể trạng và sức đề kháng tốt hơn bệnh nhân cao tuổi. Do đó, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị và phục hồi sau điều trị sẽ cao hơn, tiên lượng sống cũng khả quan hơn.
Chính vì vậy, tuổi tác của bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc người bệnh ung thư dạ dày sống được bao lâu.
1.5. Các bệnh lý kèm theo
Bệnh nhân ung thư dạ dày mắc các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường,… sẽ gây khó khăn trong việc điều trị và dễ gây ra các biến chứng trong quá trình chữa trị. Từ đó, tiên lượng sống của người bệnh cũng xấu hơn.
2. Ung thư dạ dày sống được bao lâu?
Dựa vào kích thước và mức độ di căn của tế bào ung thư mà ung thư dạ dày được chia thành 4 giai đoạn. Với mỗi giai đoạn thì tiên lượng sống của bệnh nhân cũng khác nhau
2.1. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu sống được bao lâu?
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu được chia thành 2 giai đoạn nhỏ với tỷ lệ sống khác nhau:
– Giai đoạn 1A: giai đoạn này, các tế bào ung thư vẫn còn ở lớp niêm mạc dạ dày mà chưa xâm lấn vào các lớp cơ của thành dạ dày. Khối u cũng chưa lây lan tới các hạch bạch huyết lân cận hay vị trí xa. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn này là 71%
– Giai đoạn 1B: là giai đoạn mà tế bào ung thư đã lây lan tới lớp cơ thành dạ dày, đồng thời chúng cũng lan tới 1-2 hạch bạch huyết lân cận nhưng vẫn chưa di căn xa. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 1B khoảng 57%
2.2. Ung thư dạ dày giai đoạn 2 sống được bao lâu?
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 cũng được chia làm 2 giai đoạn nhỏ:
– Giai đoạn 2A: Tế bào ung thư đã di căn tới 3-6 hạch bạch huyết lân cận hoặc đã lây lan tới lớp cơ chính của thành dạ dày và 1-2 hạch Lympho gần nhất. Hoặc tế bào ung thư chưa di chuyển tới các hạch bạch huyết nhưng đã vượt ra khỏi lớp cơ thành dạ dày và xâm lấn lớp dưới thanh mạc. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn 2A là khoảng 46%
– Giai đoạn 2B được xác định là khi tế bào ung thư đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
- Tế bào ung thư đã lây lan tới ít nhất 7 hạch vùng nhưng chưa xâm nhập vào lớp cơ chính của thành dạ dày.
- Tế bào ung thư đã lan ra lớp cơ chính của thành dạ dày và xuất hiện ở 3 – 6 hạch bạch huyết.
- Tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp cơ chính và lan đến lớp dưới thanh mạc. Đồng thời, tế bào ung thư cũng đã lan đến 1 hoặc 2 hạch lympho xung quanh
- Tế bào ung thư đã xâm nhập vào lớp thanh mạc (lớp bao phủ bên ngoài dạ dày), nhưng chưa di căn đến hạch vùng.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 2B ước tính khoảng 33%.
2.3. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 sống được bao lâu?
Ung thư dạ dày giai đoạn 3 được chia thành ba giai đoạn khác nhau: 3A, 3B và 3C, mỗi giai đoạn có tỷ lệ sống khác nhau:
- Giai đoạn 3A được xác định khi bệnh nhân bị ung thư dạ dày đã tiến triển theo một trong ba cách sau đây: tế bào ung thư đã lan đến lớp cơ chính của thành dạ dày và ít nhất 7 hạch bạch huyết lân cận; tế bào ác tính đã xâm lấn vào lớp dưới thanh mạc và di chuyển đến 3-6 hạch vùng; hoặc tế bào ung thư đã xâm lấn đến thanh mạc và 1-2 hạch vùng. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư dạ dày giai đoạn 3A khoảng 20%.
- Ung thư dạ dày giai đoạn 3B có các đặc điểm sau: tế bào ung thư đã di căn đến ít nhất 7 hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến thanh mạc; hoặc tế bào đã lan đến thanh mạc và 3-6 hạch vùng; hoặc tế bào ung thư đã xâm lấn qua thanh mạc và di căn đến một số cơ quan lân cận như lá lách, gan, tuyến tụy, ruột non hoặc các mạch máu lớn đồng thời có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó. Tỷ lệ sống sau 5 năm cho ung thư dạ dày giai đoạn 3B khoảng 14%.
- Giai đoạn 3C của ung thư dạ dày được xác định khi tế bào ác tính đã xâm lấn qua thanh mạc và ít nhất 7 hạch lympho. Giai đoạn 3C cũng được xác định khi tế bào ung thư đã xâm lấn đến các cơ quan gần dạ dày và hiện diện trong từ 3 hạch bạch huyết trở lên. Tỷ lệ sống sau 5 năm cho ung thư dạ dày giai đoạn 3C là khoảng 9%.
2.4. Ung thư dạ dày giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư dạ dày giai đoạn cuối là thời điểm tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi, não, xương. Với giai đoạn này thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân chỉ còn 4%.
Xem thêm: Chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối
3. Biện pháp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày
Những số liệu thống kê về tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư dạ dày ở trên chỉ mang tính tham khảo. Trên thực tế, thời gian sống của mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân,…
Chính vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể được thời gian sống của mình bằng cách tuân thủ các biện pháp sau:
3.1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đa phần người bệnh thường rơi vào tình trạng suy kiệt, sụt cân nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị. Thực tế có nhiều bệnh nhân không đủ sức khỏe để tiến hành điều trị.
Vì lẽ đó, việc thiết lập một chế độ ăn uống khoa học và cân đối là rất cần thiết giúp nâng cao thể trạng và tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân. Người bệnh cần lưu ý:
- Xây dựng chế độ ăn hàng ngày đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, tinh bột, và vitamin cùng khoáng chất.
- Người bệnh cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp duy trì lượng nước cho quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường.
- Thường xuyên thay đổi thực đơn để giúp người bệnh không bị ngán.
- Bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật thì thể tích và chức năng dạ dày không còn như trước. Do đó, cần chia nhỏ bữa ăn để người bệnh dễ dàng hấp thu
- Trường hợp bệnh nhân ăn kém, lười ăn thì có thể bổ sung thêm sữa và các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng
3.2. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Chế độ nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý sẽ giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. Bệnh nhân cần tuân thủ những quy tắc sau:
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine. Những chất này có thể gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Xây dựng và thực hiện đúng lịch nghỉ ngơi hàng ngày và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.
- Người bệnh nên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ như tập yoga, đi bộ nhẹ, hoặc các bài tập giãn cơ,… giúp thư giãn tâm trí và cơ thể để có một giấc ngủ sâu và ngon.
3.3. Luyện tập thể dục thể thao
Thể dục vận động nhẹ nhàng không những giúp tinh thần thoải mái mà còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
Các bài tập thích hợp cho bệnh nhân ung thư như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe,…
3.4. Tâm lý lạc quan
Tinh thần lạc quan, thoải mái sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể để đáp ứng tốt hơn với việc điều trị.
Người nhà cần luôn ở bên an ủi, động viên, chia sẻ để giúp người bệnh có động lực chiến đấu với bệnh. Hãy khuyến khích bệnh nhân làm những điều họ thích như nghe nhạc, xem phim,… để giúp họ thư giãn, vui vẻ hơn
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn