Ung thư mũi và 1001 điều cần biết
Ung thư mũi hay còn gọi là ung thư mũi xoang là căn bệnh ung thư rất hiếm gặp nhưng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách thì sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Hãy cùng Fucoidan đi tìm hiểu kiến thức tổng quan về ung thư mũi qua bài viết dưới đây.
Xem nhanh
1. Tổng quan về bệnh lý ung thư mũi
Mũi là phần đầu tiên của hệ thống hô hấp. Chúng có nhiệm vụ dẫn – sưởi ấm – làm sạch luồng không khí đi qua mũi, dùng để ngửi và tham gia vào việc cộng hưởng âm thanh, cũng như phát âm.
1.1. Ung thư mũi là bệnh lý gì?
Ung thư mũi là tình trạng các tế bào ung thư phát triển không kiểm soát, tạo thành các khối u trong khoang mũi hoặc xoang mũi, các tế bào khối u có khả năng di căn và xâm lấn sang các khu vực khác.
1.2. Các loại ung thư mũi
Theo vị trí xuất hiện khối u, ung thư mũi cũng chia thành hai loại chính:
- Ung thư các xoang bên cạnh mũi
- Ung thư khoang mũi
Ngoài ra, có thể phân loại ung thư mũi theo loại tế bào mắc ung thư. Cụ thể:
- Ung thư tế bào biểu mô vảy (squamous cell carcinoma): Đây là loại ung thư mũi hay gặp nhất.
- Melanoma (u hắc sắc tố)
- Sarcoma (ung thư mô liên kết)
- U nhú đảo ngược
- U hạt vùng giữa mặt.
1.3. Dịch tễ của bệnh ung thư mũi
Ung thư xoang cạnh mũi và khoang mũi rất hiếm gặp, ở Hoa Kỳ có khoảng 2.000 ca mắc mỗi năm. Dưới đây là một vài thông tin dịch tễ thú vị về căn bệnh này.
- Nhật Bản và Nam Phi là hai quốc gia có số người mắc ung thư mũi nhiều hơn so với khu vực khác.
- Nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới
- Hầu hết các trường hợp ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi hay xảy ra ở trong khoang mũi hoặc các xoang hàm trên. Ít phổ biến hơn trong các xoang sàng và hiếm gặp ở các xoang trán, cũng như xoang bướm.
2. Nguyên nhân dẫn tới ung thư mũi
Nguyên nhân dẫn tới các tế bào trong mũi bị tăng sinh bất thường vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng theo nguyên cứu, những yếu tố sau sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành bệnh ung thư tại mũi:
- Chất kích thích: Bia, rượu, cần sa, thuốc lá đều gia tăng nguy cơ hình thành khối u. Mặt khác, rượu còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tại vùng đầu – cổ.
- Độ tuổi: Những người ở tuổi 45 tới 85 hay bị ung thư mũi.
- Giới tính: Phái nam có lối sống không lành mạnh dễ mắc bệnh hơn phái nữ.
- Nhiễm HPV: Loại virus này làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tại xoang cạnh mũi hoặc khoang mũi.
- Môi trường ô nhiễm: Thường xuyên hít phải bụi crom, bụi niken, amiăng, bụi gỗ, rượu isopropyl, khí mù tạt, khói thải radium hoặc formaldehyde, dung môi để sản xuất đồ nội thất hoặc giày.
- Do bệnh lý: Những bệnh lý gia tăng nguy cơ ung thư mũi là ung thư biểu mô tuyến, u tương bào, ung thư di căn, ung thư hạch, sarcoma, ung thư tế bào hắc tố, ung thư nguyên bào thần kinh, u nhú chuyển dạng.
3. Triệu chứng khi mắc ung thư mũi
Ung thư mũi hầu như không có dấu hiệu gì ở giai đoạn ban đầu. Thường thì khi khối u đã to lên mới xuất hiện vài triệu chứng. Do đó, chúng ta nên đi thăm bác sĩ tai – mũi – họng càng sớm càng tốt nếu thấy có một hoặc vài dấu hiệu sau:
- Có cảm giác căng tức ở khu vực các xoang
- Hay bị chảy máu mũi
- Đau ở vị trí các xoang hoặc đau đầu nhưng cơn đau không giảm khi uống thuốc giảm đau
- Xuất hiện khối u trong mũi, trên mặt hoặc ở chân răng
- Mũi chảy dịch kéo dài, đặc biệt là chỉ bị một bên
- Mắt bị sưng nề vô cớ hoặc có vấn đề như tự nhiên bị lé hoặc song thị (nhìn một thành hai)
- Răng hàm trên tự nhiên lung lay nhiều cái hoặc bị đau
- Cảm giác tê bì hoặc châm chích trên mặt
- Có cảm giác nặng hoặc bị đau trong tai
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào được kể trên thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.
4. Chẩn đoán xác định ung thư mũi
Để chẩn đoán người bệnh có khối u ác tính tại mũi hay không thì bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát các triệu chứng của cơ thể. Đồng thời, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng để xác định bệnh như:
- Sinh thiết: Tiến hành lấy mẫu mô tại xoang mũi và soi dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp xác định bệnh nhân có bị ung thư hay không.
- Nội soi: Nhân viên y tế dùng thiết bị nội soi chuyên dụng có gắn camera luồn qua hốc mũi, miệng, cổ, vòm họng,… Thông qua hình ảnh thu được trên máy tính, bác sĩ có thể nhìn thấy sự bất thường trong hốc xoang.
- Chụp X-quang: Áp dụng với bệnh nhân có khối u với kích thước lớn. Chụp X quang giúp chuyên gia thấy tình trạng khối u nằm trong xoang.
- Xạ hình xương: Để kiểm tra tình trạng di căn của các khối u tại xương.
- MRI (chụp cộng hưởng từ): Giúp bác sĩ thấy rõ lớp hộp sọ, rãnh, nếp cuộn, tam thất não,… để xác định ranh giới khối u, cũng như tình trạng tổn thương tại phía chân sau.
- PET (chụp cắt lớp phát xạ Positron) hoặc chụp PET-CT: Giúp hỗ trợ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Mặt khác, từ kết quả thu được bác sĩ cũng phân biệt được khối u là lành tính hay ác tính để có biện pháp điều trị.
5. Các giai đoạn của ung thư mũi
Dựa vào mức độ phát triển của tế bào ung thư, ung thư mũi được chia thành các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 0
Khối u chỉ ở lớp trên cùng của tế bào lót bên trong khoang mũi mà không phát triển sâu hơn, cũng như không lan tới các hạch và vùng lân cận.
Giai đoạn 1
Khối u đã phát triển sâu hơn, nhưng vẫn nằm trong khoang mũi (có thể xâm lấn vào xương). Cũng chưa có sự di căn, xâm lấn các vùng xung quanh.
Giai đoạn 2
Khối u đã phát triển to hơn và chiếm một phần của khoang mũi hoặc cả khoang mũi. Tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn 3
Khối u đã xâm lấn sang một bên hoặc đáy của ổ mắt, xoang hàm trên hoặc vòm miệng. Tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận, cũng như các phần xa của cơ thể.
Hoặc khối u có thể hoặc chưa xâm lấn ra bên ngoài khoang mũi hay vào các cấu trúc lân cận. Nhưng chúng đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng một bên cổ như khối u ở mũi và có kích thước nhỏ hơn 3cm.
Giai đoạn 4
Ở giai đoạn 4, ung thư mũi lại chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn 4A
Trong giai đoạn này có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1:
Khối u đã di căn vào một phần phía trước phần da của mũi hoặc má, ổ mắt, một số xương ở mặt hoặc xoang trán với mức độ tiến triển vừa phải.
Tuy nhiên, khối u có thể đã lan hoặc chưa lan đến một hạch bạch huyết trên cùng một bên của cổ với kích thước nhỏ hơn 3cm. Các tế bào ung thư vẫn chưa lan đến các phần xa của cơ thể.
Trường hợp 2:
Khối u có thể hoặc chưa xâm lấn vào các cấu trúc bên ngoài khoang mũi. Nhưng nó đã lan đến một hay nhiều hạch bạch huyết trên cùng một bên cổ với khối u mũi, với kích thước từ 3cm đến 6cm.
Giai đoạn 4B
Ở giai đoạn này cũng có 2 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Khối u đang di căn vào mặt sau của ổ mắt, não, màng nhĩ, một số bộ phận của sọ, một số dây thần kinh sọ và vòm họng khoang mũi.
- Trường hợp 2: Tế bào ung thư đã lan đến ít nhất một hạch bạch huyết với kích thước lớn hơn 6cm. Hoặc khối u đã lan đến hạch bạch huyết và sau đó phát triển bên ngoài hạch bạch huyết nhưng chưa di căn.
Giai đoạn 4C
Tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Việc xác định chính xác giai đoạn phát triển của bệnh ung thư mũi là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp các đội ngũ y bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
6. Điều trị bệnh ung thư mũi
Sau khi được chẩn đoán xác định mắc ung thư mũi, bệnh nhân sẽ tiến hành điều trị theo các phương pháp được bác sĩ đưa ra như sau:
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp thông dụng nhất để điều trị ung thư mũi. Phương pháp này sẽ giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u khỏi vùng khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi.
- Xạ trị: Được dùng cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc kết hợp với phẫu thuật để điều trị tế bào khối u còn sót lại.
- Hóa trị: Sử dụng thuốc chống ung thư được đưa vào cơ thể theo đường uống hoặc đường tĩnh mạch nhằm loại bỏ, tiêu diệt các tế bào ung thư.
7. Phòng tái phát sau điều trị bệnh ung thư mũi
Sau khi điều trị, ung thư mũi vẫn có thể tái phát nếu người bệnh không chú ý những điểm sau:
- Vệ sinh vùng mũi sạch sẽ, luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm không khí.
- Hạn chế tới mức tối đa tiếp xúc với các chất có thể gây nên ung thư mũi đã nêu trên.
- Điều trị dứt điểm khi mắc virus HPV
- Nâng cao sức đề kháng bằng một chế độ sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao và ăn uống lành mạnh.
- Đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ phụ trách và tuân thủ đúng những lưu ý bác sĩ đưa ra.
Không bao giờ là thừa khi bạn biết thêm được nhiều kiến thức về bệnh lý ung thư nói chung và ung thư mũi nói riêng. Hy vọng, các thông tin được cung cấp trên sẽ giúp bạn đọc chủ động bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh ác tính này.
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn