Cẩm nang sức khỏe về ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt là căn bệnh khá hiếm gặp, thế nhưng để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng hay cách phòng và điều trị căn bệnh này.
Xem nhanh
1. Tổng quan về bệnh lý ung thư tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt nằm ở khắp vùng khoang miệng, có cấu tạo gồm 3 đôi tuyến lớn là tuyến dưới lưỡi, tuyến mang tai và tuyến dưới hàm.
Mỗi ngày, tuyến nước bọt sản xuất ra khoảng 150ml cho đến 1300ml nước bọt. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn đầu của quy trình xử lý thức ăn.
1.1. Ung thư tuyến nước bọt là bệnh lý gì?
Ung thư tuyến nước bọt là tình trạng xuất hiện các tế bào tăng sinh không kiểm soát ở bất kỳ vị trí nào của tuyến nước bọt, sau đó, chúng hình thành lên các khối u và có khả năng di căn, xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể.
1.2. Các loại ung thư tuyến nước bọt
Có 4 loại ung thư tuyến nước bọt được phân loại như sau:
- Ung thư biểu mô tuyến nhầy: Thường gặp nhất, hay gặp ở người 20 – 50 tuổi.
- Ung thư biểu mô thể nang dạng adenoid: Hay gặp ở các tuyến nước bọt phụ (và cả khí quản). Tỷ lệ mắc bệnh gặp nhiều nhất ở tuổi từ 40 đến 60.
- Ung thư biểu mô dạng túi tuyến: Là một dạng u tuyến nước bọt mang tai, hay xảy ra ở người từ 40 – 50 tuổi.
- Ung thư biểu mô dạng hỗn hợp
1.3. Dịch tễ
Đây là dạng ung thư rất hiếm gặp. Theo ước tính tỷ lệ mắc mới tại Mỹ năm 2018 là 1/100.000 người. Và số ca mắc ung thư tuyến nước bọt chiếm chưa tới 1% trong tổng số các ca ung thư.
Bệnh lý này hay gặp ở người cao tuổi với độ tuổi mắc trung bình là 64 tuổi. Bệnh thường được phát hiện muộn, ước tính chỉ có khoảng 43% số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Tỷ lệ sống trên 5 năm của người mắc bệnh phụ thuộc vào giai đoạn, mức độ cũng như vị trí của khối u khi được điều trị, trung bình khoảng 72%.
Trong đó, những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn 1 tỷ lệ sống sót trên 5 năm là 91%. Và tỷ lệ sống sót ở giai đoạn 2 và 3 lần lượt là 75% và từ 39% – 65%.
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư tuyến nước bọt
Cho tới ngày nay, nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác minh rõ ràng. Theo thống kê của các nhà khoa học, các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể tăng khả năng mắc bệnh:
- Tuổi: Tuổi càng cao thì càng có nguy cơ mắc bệnh.
- Giới tính: Tỷ lệ nam giới mắc ung thư tuyến nước bọt cao hơn nữ giới.
- Tiếp xúc với phóng xạ: Theo nhiều nghiên cứu, việc xạ trị vùng đầu và vùng cổ làm gia tăng nguy cơ phát triển các khối u ở tuyến nước bọt.
- Các yếu tố môi trường: Những người tiếp xúc nhiều hóa chất, bụi bặm, làm việc trong hầm mỏ, thuộc da, làm nghề mộc, sản xuất cao su,… có tỷ lệ mắc cao hơn những ngành nghề khác.
- Các yếu tố lối sống: Uống rượu, bia, hút thuốc lá, hay có chế độ ăn mất cân bằng, sử dụng nhiều điện thoại di động,…đều là những yếu tố tăng khả năng mắc ung thư.
3. Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt thuộc loại ung thư vùng đầu cổ nên tùy vào vị trí cụ thể của khối u sẽ có các biểu hiện khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất khi mắc bệnh này:
- Có cục hoặc bị sưng bên trong miệng, má, cổ hoặc hàm
- Có khác biệt giữa kích thước hoặc/và hình dạng của bên phải và bên trái của khuôn mặt hoặc vùng cổ trước khi khối u xuất hiện
- Đau ở cổ, hàm, miệng, má hoặc tai mà không đỡ
- Yếu các cơ ở một bên mặt
- Tê một phần khuôn mặt
- Chảy dịch bất thường từ tai
- Khó khăn khi mở miệng rộng hơn
- Cảm giác nuốt khó
Các triệu chứng trên có thể gặp ở bệnh ung thư tuyến nước bọt hoặc một bệnh lý nào khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ biểu hiện nào trong số này, bạn vẫn phải gặp bác sĩ sớm nhất để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.
4. Chẩn đoán xác định bệnh ung thư tuyến nước bọt
Đầu tiên, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ khám triệu chứng trên vùng mặt, miệng, cổ họng,… đồng thời hỏi thêm bệnh nhân về tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý, cũng như môi trường sống và làm việc,…
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác bệnh, các phương pháp hay được áp dụng là:
- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm vùng cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu – cổ, chụp CT scan vùng đầu – cổ nhằm xác định vị trí khối u, kích thước, mật độ khối u cũng như mức độ xâm lấn các mô xung quanh.
- Sinh thiết khối u: Để xác định khối u là lành tính hay u ác tính.
Ngoài ra, khi chẩn đoán được bệnh nhân đang bị ung thư tuyến nước bọt, bác sĩ có thể cho siêu âm ổ bụng, chụp X quang phổi để xem khối u có di căn hay chưa.
5. Các giai đoạn của bệnh
Dựa vào mức độ phát triển của các tế bào u ác tính, chia thành các giai đoạn bệnh như sau:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn các tế bào ung thư mới xuất hiện và chưa có bất kỳ sự xâm lấn nào.
- Giai đoạn 1: Khối u ác tính có kích thước không vượt quá 2cm và chưa phát triển sang các mô lân cận.
- Giai đoạn 2: Khối u có kích thước lớn hơn, khoảng 2cm – 4cm và chưa có sự di căn đến các hạch, cơ quan ở xa.
- Giai đoạn 3: Khối u phát triển với kích thước lớn hơn 4cm, ảnh hưởng đến một số mô xung quanh khiến bệnh nhân bắt đầu có cảm giác đau, mệt mỏi, khó chịu. Khối u có thể lan tới hạch bạch huyết ở vùng cổ.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối của bệnh. Ung thư di căn sang các vùng ở xa như gan, phổi, não,… và người bệnh không có khả năng chữa trị cũng như cơ hội sống sót thấp.
Việc xác định chính xác giai đoạn phát triển của bệnh là rất quan trọng. Bởi, điều này giúp các bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
6. Điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Cụ thể:
- Giai đoạn sớm: Tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến có u ác tính.
- Giai đoạn bệnh muộn: Khi các tế bào ung thư xâm lấn rộng ngoài nhu mô tuyến và/hoặc di căn sang các hạch vùng, cần kết hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến kèm vét hạch cổ, sau đó tiến hành xạ trị để bổ trợ.
- Giai đoạn cuối: Điều trị chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng khi bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật hay hóa xạ trị.
Ngoài ra, còn một số nguyên tắc điều trị bệnh như:
- Hóa trị: Được dùng trong bệnh ung thư tuyến nước bọt ở giai đoạn muộn không còn khả năng phẫu thuật hay xạ trị.
- Xạ trị: Bổ trợ hậu phẫu trong trường hợp khối u có độ ác tính cao và tiến hành xạ trị kết hợp hóa trị trong trường hợp không còn khả năng phẫu thuật.
7. Phòng tái phát sau điều trị
Sau khi điều trị, ung thư tuyến nước bọt vẫn có thể tái phát nếu người bệnh không chú ý những điểm sau:
- Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối ấm.
- Uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày để giữ ẩm miệng.
- Hạn chế ăn thức ăn có tính acid, thức ăn cay nóng hay thức ăn nhiều phẩm màu.
- Hạn chế dùng thức uống có chứa cồn và cafein như bia, rượu, trà, cà phê,…
- Làm việc ở nơi tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần che chắn kỹ càng khu vực đầu, cổ và mặc đồ bảo hộ lao động.
- Tập luyện thể dục và thể thao thường xuyên, cũng như giữ vững tinh thần lạc quan vui vẻ.
- Tái khám theo lịch đã hẹn với bác sĩ phụ trách và tuân thủ theo chỉ dẫn.
Với những thông tin được cung cấp ở trên, khi gặp phải cơn đau hoặc khối cứng ở bên má, tai mà thì chắc hẳn bạn đã biết cách xử trí hợp lý.
Tuy nhiên, để việc cải thiện tình trạng bệnh ung thư tuyến nước bọt đạt hiệu quả cao và bền vững, Quý bạn đọc nên tìm hiểu và bổ sung các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược như Fucoidan.
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn