Ung thư xương và trọn bộ thông tin cần biết
Ung thư xương thường phát triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ tiến triển nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Xem nhanh
1. Tổng quan về bệnh lý ung thư xương
Hệ xương là một trong những cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Chúng giúp bảo vệ và hỗ trợ cho não, tim cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.
Hơn nữa, khung xương còn giữ chức năng sản xuất ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu, dự trữ chất khoáng cần thiết và giúp duy trì chức năng vận động của cơ thể.
1.1. Ung thư xương là bệnh gì?
Ung thư xương là tình trạng xuất hiện các tế bào tăng sinh không kiểm soát và hình thành các khối u trong xương. Những khối u này phát triển mạnh mẽ và có khả năng di căn, xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể.
1.2. Các loại ung thư xương
Ung thư tại xương được chia thành các loại như sau:
- Đa u tủy: Đây là dạng ung thư xương phổ biến nhất. Ở dạng này, các tế bào u ác tính phát triển trong tủy xương và gây ra các khối u tại các xương khác nhau ở khắp cơ thể.
- Ung thư xương sarcoma hoặc sarcoma xương: Thường xuất hiện ở đầu xương cánh chân và cẳng tay. Chúng ảnh hưởng đến mô cứng ở lớp ngoài của xương.
- Sarcoma sụn: Tế bào ung thư xuất hiện ở mô dưới sụn, thường ở xương vai, xương chậu hay xương đùi.
- Ewing’s Sarcoma: Hay xuất hiện ở xương, cũng có thể ở các mô mềm như mô mỡ, mô cơ, mô sợi, các mô nâng đỡ hay mạch máu. Vị trí biểu hiện thường ở xương chậu, dọc xương sống, ở cánh tay hay cẳng chân.
1.3. Dịch tễ của bệnh ung thư xương
u xương ác tính là bệnh lý hiếm gặp trong số các loại ung thư. Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên tuổi từ 15 tới 25.
Các khối u ác tính hay phát triển ở những vị trí như đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương, xương chày, xương đùi,.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư xương
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư xương, thường được biết tới như:
- Tăng trưởng tế bào bất thường: Ở độ tuổi thanh thiếu niên, các tế bào xương phân chia mạnh dễ xuất hiện sai khác và hình thành tế bào ung thư.
- Ô nhiễm mỗi trường: Một số trường hợp có mắc ung thư do phơi nhiễm phóng xạ và gây đột biến tế bào dẫn tới ung thư xương
- Biến chứng của một số bệnh lý về xương: Một số bệnh về xương có thể chuyển biến thành ung thư như quá phát sụn đầu xương dài, bệnh Paget xương, loạn sản xơ xương,…
- Chấn thương: Theo ghi nhận, có một vài ung thư xương phát triển tại vùng xương bị gãy hoặc va đập. Đặc biệt là vùng đầu trên của xương chày.
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư xương:
- Thanh thiếu niên và trẻ em
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư, đặc biệt là ung thư xương.
- Đã hoặc đang mắc một bệnh lý ung thư khác. Những bệnh nhân từng được điều trị bằng xạ trị cũng có nguy cơ cao mắc ung thư xương.
- Trước đây hoặc hiện tại đang có khối u trong sụn, khối u lành tính biến chuyển thành ác tính.
- Mắc các bệnh lý có thể chuyển biến thành ung thư xương như loại sản xơ xương, quá phát sụn đầu xương dài,…
3. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng của bệnh ung thư xương phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.
3.1 Ung thư xương ở giai đoạn đầu
Triệu chứng bệnh không rõ ràng, nếu người bệnh không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua:
- Đau xương là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở hầu hết các bệnh nhân. Người bệnh đau nhiều về đêm hoặc khi vận động mạnh.
- Da vùng bị tổn thương có thể ấm hơn các vùng da khác, xuất hiện các mạch máu màu xanh tím nổi lên trên bề mặt da.
- Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u to dần tại vùng đang có cảm giác đau.
3.2 Ung thư xương giai đoạn tiến triển
Lúc này, các triệu chứng của bệnh rõ ràng hơn và gây phiền toái lớn cho người bệnh:
- Người bệnh sút cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và có thể sốt nhẹ.
- Vị trí xương có khối u sưng to lên do khối u phát triển.
- Cơn đau xương tăng dần và bệnh nhân cảm giác xương yếu đi rõ rệt. Đau liên tục toàn thân nhưng dùng thuốc giảm đau không đỡ.
- Có thể bị gãy xương không phải do chấn thương.
Khối u có thể phát triển rất nhanh ở giai đoạn này do vậy, ngay từ khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh nhân nên đi khám ngay để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
4. Chẩn đoán ung thư xương
Khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng cảnh báo ung thư xương, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm hoặc thủ thuật y tế dưới đây để đưa ra chẩn đoán cuối cùng, đó là:
- Xét nghiệm máu: Khoảng 50% ca bệnh có lượng phosphatase kiềm trong máu tăng cao. Ngoài ra, có thể tăng dehydrogenase lactic LDH máu.
- Chụp X quang: Chẩn đoán hình ảnh giúp cung cấp hình ảnh ung thư xương. Hình ảnh X quang cho biết vị trí ban đầu của khối u hay chỗ khối u đã lan ra trong cơ thể.
- Chụp cắt lớp vi tính CT: Để phát hiện được hình ảnh khối u xương, kích thước, vị trí chính xác, cũng như hình dạng của khối u.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Ngoài giúp phát hiện khối u, chụp MRI còn cho hình ảnh xương hiển thị rõ nét trên máy tính.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron PET: Kỹ thuật viên sẽ đưa một lượng nhỏ glucose phóng xạ vào mạch máu của bệnh nhân. Sau đó, máy sẽ ghi lại các kết quả để làm căn cứ kết luận tình trạng bệnh.
- Sinh thiết xương: Từ vị trí phát hiện tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết tế bào xương để xác định là u lành tính hay ác tính.
- Sinh thiết mở: Phẫu thuật lấy một mẫu mô từ khối u và mang đi sinh thiết xem khối u là lành tính hay ác tính.
5. Các giai đoạn của bệnh ung thư xương
Dựa vào mức độ phát triển của các tế bào u ác tính tại xương, ung thư xương được chia thành các giai đoạn bệnh như sau:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện và không di căn.
- Giai đoạn 2: Khối u ác tính phát triển mạnh nhưng vẫn chưa di căn sang các vùng xung quanh.
- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều vùng của xương.
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư di căn đến các mô xung quanh xương và di chuyển đến các cơ quan ở xa hơn như gan, phổi, não,…
Việc xác định chính xác giai đoạn phát triển của bệnh ung thư xương và vùng xâm lấn giúp các bác sĩ phụ trách xây dựng phác đồ và kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp.
6. Điều trị bệnh ung thư xương
Điều trị ung thư xương bằng phương pháp nào phụ thuộc nhiều vào giai đoạn của khối u, tình trạng bệnh nhân và tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Hiện nay, bác sĩ thường áp dụng 3 phương pháp chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp cả 3 phương pháp này.
- Phẫu thuật: Tiến hành cắt bỏ loại bỏ khối u, phần xương lành, cũng như mô lành xung quanh khối u đó. Đối với khối u lớn, bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ toàn bộ chi có khối u để ngăn chặn nguy cơ ung thư tái phát hoặc di căn.
- Hóa trị: Sử dụng hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u hoặc hỗ trợ tiêu diệt tế bào u ác tính còn sót lại sau khi phẫu thuật.
- Xạ trị: Thời gian xạ trị thường kéo dài từ 5 ngày đến một tuần và mỗi chu trình diễn ra trong vòng từ 5 – 8 tuần.
Những bệnh nhân ung thư xương có tiên lượng bệnh xấu có thể điều trị kết hợp cả hóa trị, xạ trị và phẫu thuật để nâng cao chất lượng sống, cũng như giúp bệnh nhân giảm nhẹ những cơn đau đớn cuối đời.
7. Phòng tái phát sau điều trị
Sau khi điều trị, ung thư xương vẫn có thể tái phát nếu bệnh nhân không được chăm sóc kĩ. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý những điểm sau để hạn chế tối đa bệnh quay lại:
- Tái khám theo lịch và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ phụ trách.
- Hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm và tia UV từ ánh nắng mặt trời.
- Tránh tiếp xúc với nguồn phóng xạ, các hóa chất độc hại.
- Tránh xa khói thuốc lá kể cả là hút chủ động hay thụ động.
- Ăn uống hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Cung cấp đầy đủ calci cho cơ thể. Và hạn chế tối đa các thức ăn chứa nhiều chất béo.
- Tập luyện thể dục và thể thao thường xuyên vừa giúp cơ thể khỏe mạnh lại tăng cường hệ miễn dịch phòng chống ung thư tái phát.
- Giữ vững tinh thần lạc quan vui vẻ, tổ chức những buổi tâm sự với bạn bè hoặc những người thân quen để giải tỏa nỗi lòng.
Hy vọng, những thông tin trên giúp người đọc nhận diện được căn bệnh ung thư xương nguy hiểm này. Và ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu bất thường bạn nên đi thăm khám để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Mọi câu hỏi của bạn đọc vui lòng gọi điện đến SĐT hotline 1800 6527 để được dược sĩ tư vấn cụ thể hơn.
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn