Xạ trị ngoài: Chỉ định, tác dụng và những điểm hạn chế
Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị ung thư được ứng dụng phổ biến. Nhiều kỹ thuật xạ trị cũng được nghiên cứu và áp dụng mang lại hiệu quả điều trị cao, trong đó có xạ trị ngoài. Đọc bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về kỹ thuật này nhé!
Xem nhanh
1. Xạ trị ngoài là gì?
Xạ trị ngoài là một kỹ thuật xạ trị sử dụng máy bên ngoài cơ thể để cung cấp bức xạ năng lượng cao tiêu diệt các tế bào ung thư. Loại liệu pháp này được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư bao gồm ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt và da.
Bức xạ được nhắm mục tiêu đến khu vực cụ thể của cơ thể nơi có ung thư và mục tiêu là tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho các mô khỏe mạnh. Thông thường, các bức xạ được cung cấp dưới dạng chùm photon, proton hoặc electron.
2. Các loại tia dùng trong xạ trị ngoài
Có 3 loại tia thường được dùng trong xạ trị ngoài:
- Xạ trị chùm photon: Chùm photon là bức xạ được dùng trong chụp X – quang. Khi dùng để xạ trị, thì chùm photon này cũng giống như chụp X – quang ở ngực với năng lượng cao hơn. Chúng được cung cấp bằng máy gia tốc tuyến tính, đi sâu vào cơ thể tới khối u và không làm tổn thương tế bào khỏe mạnh phía trước và sau khối u.
- Xạ trị chùm hạt: Cũng giống như proton hoặc neutron, chùm hạt cũng là những đơn vị năng lượng. Bức xạ chùm hạt được giải phóng ở một khoảng cách nhất định nên có thể cung cấp nhiều bức xạ hơn cho khối u. Các chùm hạt được cung cấp bởi các máy đặc biệt gọi là máy gia tốc hạt như cyclotron hoặc synchrotron.
- Xạ trị chùm electron: Các electron không di chuyển quá xa nên thường được dùng trong điều trị ung thư trên da hoặc gần bề mặt cơ thể. Các hạt này được cung cấp từ máy gia tốc tuyến tính hoặc máy gia tốc hạt.
3. Các phương pháp xạ trị ngoài
Các phương pháp xạ trị ngoài:
- Liệu pháp xạ trị 3 chiều (3D – CRT): Các bức xạ từ các hướng khác nhau được thiết kế phù hợp với hình dạng khối u
- Liệu pháp bức xạ có hướng dẫn bằng hình ảnh (IGRT): Là một dạng 3D – CRT trong đó có việc quét hình ảnh trước mỗi lần điều trị.
- Xạ trị điều biến cường độ (IMRT): Tương tự 3D – CRT với sự thay đổi cường độ của một số chùm tia ở một số khu vực nhất định.
- Phẫu thuật phóng xạ lập thể: Là một loại điều trị cung cấp lượng lớn bức xạ cho một khu vực khối u nhỏ, sử dụng trong cho các khối u não và các khối u khác trong đầu.
- Xạ trị định vị thân (SBRT): Dùng để điều trị khối u bên ngoài não, đặc biệt là khối u ở phổi, gan hoặc cột sống.
- Xạ trị trong phẫu thuật (IORT): Bức xạ bên ngoài được đưa trực tiếp vào khối u hoặc các khối u trong khi phẫu thuật.
4. Chỉ định
Xạ trị ngoài được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, cụ thể:
- Tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư
- Kết hợp để tăng hiệu quả cho các phương pháp điều trị khác: Bạn có thể được chỉ định xạ trị ngoài cùng các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch
- Giảm các triệu chứng: Xạ trị ngoài thường là một phần trong điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, giúp kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác.
Kỹ thuật được chỉ định trong một số loại ung thư phổ biến như:
- Ung thư vú
- Ung thư phổi
- Ung thư ruột kết
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư hạch không Hodgkin
- Ung thư đầu cổ
- Ung thư tử cung
5. Quy trình thực hiện
Trước khi tiến hành các bước chính thức của quy trình xạ trị, bác sĩ và người bệnh sẽ cần chuẩn bị trước.
Chuẩn bị trước điều trị
Trước xạ trị là giai đoạn lập kế hoạch điều trị, để đảm bảo mọi thứ sẵn sàng theo quy trình và dự đoán trước các tác dụng phụ của xạ trị có thể xảy ra. Quá trình mô phỏng được thực hiện:
- Người bệnh được định vị giống như đang điều trị
- Bác sĩ tiến hành chụp CT, MRI hoặc PET để chụp khối u. Qua hình ảnh để xác định vị trí khối u và thiết kế chùm năng lượng để tiêu diệt tế bào ung thư
- Bệnh nhân có thể được trang bị thêm các phụ kiện để giữ nguyên tư thế
Quá trình xạ trị ngoài
Sau vài ngày từ lúc chuẩn bị, bạn sẽ được tiến hành điều trị theo các bước như sau:
- Bước 1: Bạn được định vị như trong quá trình mô phỏng
- Bước 2: Sau khi bạn đã vào đúng vị trí, bác sĩ sẽ rời khỏi phòng để vận hành máy. Bác sĩ theo dõi bạn qua màn hình để đảm bảo bạn ổn trong suốt quá trình điều trị
- Bước 3: Máy di chuyển xung quanh bạn và tạo ra những tiếng động nhỏ. Những chuyển động này giúp các chùm năng lượng được đưa tới vị trí chính xác để tiêu diệt khối u. Trong suốt cả quá trình bạn nên nằm yên hoàn toàn và thở bình thường
6. Ưu điểm và nhược điểm của xạ trị ngoài
Bất cứ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Dưới đây là ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật xạ trị ngoài
Ưu điểm
Một số ưu điểm của kỹ thuật:
- Loại bỏ hoàn toàn ung thư trong trường hợp khối u cục bộ hoặc tiến triển cục bộ
- Là một lựa chọn trong trường hợp bạn không khỏe hoặc không đủ sức làm phẫu thuật
- Xạ trị ngoài không gây đau
- Thông thường, bạn sẽ không cần ở lại bệnh viện qua đêm mà có thể về nhà sau xạ trị
Nhược điểm
Bất cứ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có nhược điểm riêng, nhược điểm của xạ trị ngoài là:
- Bạn phải thường xuyên đến bệnh viện để điều trị 5 ngày một tuần trong vài tuần nên mất rất nhiều thời gian
- Xạ trị gây các tác dụng phụ như vấn đề đường ruột, tiết niệu, cũng như mệt mỏi, uể oải.
- Có sự gia tăng nhỏ về nguy cơ mắc bệnh ung thư khác sau xạ trị
- Bạn có thể phải mất thời gian để biết quá trình điều trị có hiệu quả hay không
7. Các tác dụng phụ của xạ trị ngoài
Tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị ngoài là mệt mỏi, các tác dụng phụ khác phụ thuộc vào vị trí của tế bào bị hư hỏng, bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Chán ăn, ăn không ngon
- Đau đầu
- Rụng tóc
- Khó nuốt
- Hụt hơi
- Khó đi tiểu (tiểu không tự chủ)
- Kích ứng trên da, bao gồm đau nhức, mẩn đỏ
- Đau và viêm tại vị trí xạ trị
8. Một số câu hỏi
Một số câu hỏi liên quan tới xạ trị ngoài:
8.1. Thời gian xạ trị ngoài mất bao lâu?
Thời gian cho một lần điều trị thường kéo dài từ 15 – 30 phút, với phần lớn thời gian dành cho việc định vị người bệnh một cách chính xác. Bác sĩ sẽ cho bạn biết thời gian bức xạ bắt đầu. Thông thường cần thực hiện hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6, kéo dài 2 – 8 tuần.
Một số trường hợp ngoại lệ như phẫu thuật phóng xạ lập thể, bạn chỉ cần thực hiện một lần duy nhất trong một đợt điều trị.
8.2. Xạ trị ngoài có đau không?
Khi thực hiện xạ trị bạn sẽ không cảm thấy bức xạ nào cả và không đau. Bạn có thể vẫn nhận thấy những điều trị trong môi trường như tia sáng lóe lên tiếng lách cách vo ve khi máy di chuyển,… Chúng có thể làm bạn cảm thấy căng thẳng hơn bình thường.
Xạ trị ngoài cùng với xạ trị áp sát và xạ trị toàn thân là 3 kỹ thuật xạ trị được áp dụng nhiều trong điều trị ung thư. Hy vọng với những chia sẻ qua bài viết trên bạn đã biết quy trình thực hiện và tác dụng phụ của kỹ thuật. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!
Mời bạn tham khảo một số sản phẩm gợi ý từ hotroungthu.vn